Trước khi nói đến công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, đầu tiên phải nói đến cha ông, là ông Trần Trinh Trạch (1872 – 1942), một cậu bé chăn trâu bần cố nông, từ hai bàn tay trắng trở thành một đại điền chủ giàu có bật nhật Nam Kỳ lúc bây giờ.
Thuở ấy, những vùng đất gần sông, gần biển như Gò Công, Mỹ Tho, Rạch Giá, Hà Tiên được khai khẩn từ rất sớm, trước cả thời nhà Nguyễn. Riêng vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu mãi đến khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta mới bắt đầu đưa dân đến khai khẩn. Thời đó Ông Trạch cũng là bần nông như bao nhiêu người khác, không mảnh đất cắm dùi.
Nhưng cậu bé chăn trâu bần cố nông này không cam chịu số phận, cậu theo học tất cả các trường lớp có thể thời bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp tiểu học trường Tây với kết quả nổi trội Trần Trinh Trạch trở thành một trong số ít người giỏi cả chữ quốc ngữ và chữ Tây trong làng. Nhờ vậy mà ông được gọi ra làm thư ký làng. Từ công việc “biện làng”, thầy ký Trạch được rút lên làm thư ký trên quận, rồi rút lên tỉnh làm ở bộ phận thu thuế điền đất.
Hơn 1 năm sau, kể từ ngày làm thư ký trên tỉnh, vì tính siêng năng, cần cù, nhiệt tình nên ông Trần Trinh Trạch được ông Phan Văn Bì – một bá hộ giàu có, sở hữu hàng nghìn hecta đất. Ông Trạch được bá hộ Bì dàn xếp cho gặp đứa con gái thứ tư là Phan Thị Mùi (vợ ông sau này), hai người nên duyên, ông Trạch trở thành con rể của bá hộ Bì. Từ đó, ông Bì kêu ông Trạch nghỉ làm ở tỉnh vì lương không bao nhiêu mà còn mang tiếng làm cho Tây. Để giúp hai con làm ăn, ông Bì cho hai vợ chồng ông Trạch mấy sở đất canh tác. Chỉ sau mấy mùa trúng lúa, hai vợ chồng ông Trạch phất lên nhanh chóng.
Nhờ có hút chữ nghĩa, từng làm việc nhà nước, nay lại có chút vốn trong tay, ông Trần Trinh Trạch đăng ký đấu thầu và đã trúng thầu quản lý sở cầm đồ (Mont de Piété) của nhà nước. Thời ấy chính quyền thuộc địa không cho tư nhân mở tiệm cầm đồ, mà nhà nước giữ độc quyền, nhờ vậy mà một mình thầy ký Trạch nắm độc quyền hoạt động cầm đồ ở tỉnh Bạc Liêu.
Trúng thầu quản lý sở cầm đồ, từ kinh nghiệm và mối quan hệ quen biết trong những năm đi làm thầy ký cho Tây, ông Trạch lại trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây, độc quyền phân phối rượu ở Bạc Liêu. Một sự kiện quan trọng đã làm cho vợ chồng ông Trạch giàu có, vượt ra ngoài phạm vi của một làng, một huyện.
Hắc Công Tử – Trần Trinh Quy
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Quy có cha là người giàu có nhất Nam Kỳ, con là tay ăn chơi bậc nhất Sài Gòn
Danh tiếng về dòng họ Trần Trinh sẽ được khép lại thời của ông Trần Trinh Trạch nếu như con trai thứ ba của ông là Trần Trinh Huy không làm những việc chấn động Nam Kỳ thời bấy giờ. Có thể nói rằng, ông Trần Trinh Trạch cả đời chí thú làm ăn, gia sản chất thành núi cũng chưa một lần dùng số tiền khủng để sử dụng vào việc không có mục đích chính đáng. Nhưng đến thời con ông, Trần Trinh Huy thì mọi thứ đã khác.
Trần Trinh Huy, tên thật là Trần Trinh Quy (do ông Trạch nói tên Quy không sang nên đổi thành tên Huy) sinh ngày 22 tháng 6 năm 1900, là con bà vợ đầu của ông Trần Trinh Trạch, tức bà Phan Thị Muồi.
Cùng với tên gọi Trần Trinh Huy, ông còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử). Trong đó, biệt danh “Hắc công tử” này là cách để phân biệt với “Bạch công tử”, một người có thể gọi là sánh tầm ăn chơi với Trần Trinh Huy. Đó là Lê Công Phước, con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng người làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Và cũng chính hai biệt danh Hắc, Bạch công tử này đã tạo nên câu chuyện “đốt tiền Dương Đông soi tìm cái bông tai cho cô Bảy Phùng Há”.
Bà Phan Thị Muồi có ba người con là Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương. Trong ba người con thì Ba Huy có tố chất vượt bậc hơn nhưng lại rộ tính ăn chơi nên ông bà Trạch quyết định cho ba Huy sang Pháp du học thay vì lên Sài Gòn học trường Tây.
Mục đích cho ba Huy sang Pháp du học là thà để cho con bụng chữ còn tốt hơn mấy trăm mẫu đất. Nhưng thay vì học hỏi kiến thức khoa học như cha mẹ kỳ vọng, cậu Huy lại chỉ thích học những thú ăn chơi ở phương Tây như lái máy bay, lái xe, nhảy đầm, tango…
Sau 5 năm du học trở về với thành tích chưa tốt nghiệp trường Pháp nhưng cậu ba Huy đã thành thạo những kỹ năng kể trên. Ngày đón cậu ba Huy, ông Trạch lên hãng xe ở đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi ở Sài Gòn sắm xe mới. Khi vào hãng xe, người Tây thấy một ông già nhà quê mặc áo bà ba, tay cầm quạt mo, đi giày hàm ếch nên họ tỏ vẻ khinh khỉnh.
Đáp trả lại điều đó, ông Hội đồng Trạch đã ra lệnh cho người đi cùng mình chọn chiếc xe tốt nhất, đắt nhất và cho ông ngồi thử vào để xem có êm không, chạy thích không. Khi hài lòng, ông mở mo cau ra đếm cả cọc tiền khiến những người bán xe mắt tròn, mắt dẹt. Mua xe xong, ông ra Bến nhà Rồng đón cậu con trai đi Tây trở về.
Trên đường về, ba Huy tự tay chạy chiếc xe đi với vận tốc 100km trên giờ khiến người ngồi trên xe ai cũng run. Cha mẹ gặng hỏi con về những bằng đại học cậu đã đạt được là bằng kỹ sư hay bằng luật sư. Cậu Ba cười khoái chí khoe ra các giấy tờ học lái máy bay, học lái xe, nhảy đầm, tango.
Trầm trồ trước những thú vui của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy
Về quê chưa được bao lâu, ba Huy đã làm nhiều người kinh ngạc với những thú vui của mình.
Chuyện kể, ông hội đồng Trạch giao cho Ba Huy trông coi việc điền sản. Thay vì Ba Huy chính thức ra đồng thì ông mướn ngây một người Pháp tên Henry giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình, còn ông thì tập trung vào các thú vui chơi khác.
Cái ngông của Ba Huy trong việc này là cho người quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi thu được hàng năm. Số tiền này rất hậu hĩnh mà ông Henri làm cho người khác, do đó mà Henri đã làm mướn cho Ba Huy suốt hàng chục năm, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.
Tuy nhiên, có đôi lần Ba Huy cũng xuống thăm sở điền, coi tình hình sao. Ông không như người thường mà hay mặc veston đi xe hơi mà tiêu điểm là chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, loại xe lúc đó cả miền Nam chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của Vua Bảo Đại. Không chỉ siêu xe, mà Ba Huy còn sắm cả ca nô để lướt sóng trên các sông rạch miền Tây vốn chỉ toàn xuồng chèo tay. Kinh khủng hơn là sắm cả máy bay riêng.
Sự kiện sắm máy bay này gây chấn động dư luận khi một lần Ba Huy tự lái máy bay đi thăm điền sở ở tỉnh Rạch Giá. Không biết sao, Ba Huy hứng chí bay ra biển Hà Tiên hóng mát rồi lạc sang tận nước Xiêm và phải đáp khẩn cấp vì máy bay hết xăng. Ngay lập tức, Ba Huy bị Nhà nước Xiêm tạm giữ và phạt về tội xâm nhập lãnh thổ trái phép số tiền tương đương 200 ngàn giạ lúa.
Sự ngông nghênh trong cách ăn chơi này của Ba Huy có thể để người ta sánh ông với vua Bảo Đại vào thập niên 1930 – 1940, là hễ Vua Bảo Đại có thứ gì thì Ba Huy phải sắm cho bằng được thứ ấy.
Không những vậy, cái mà làm nên danh tiếng “Công tử Bạc Liêu” và Hắc Công Tử chính là cuộc chơi ngông với Bạch Công Tử Lê Công Phước, con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng người làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong việc “đốt tiền Dương Đông soi tìm cái bông tai và nấu trứng khi theo đuổi cô Bảy Phùng Há”. Không biết chuyện thực hư đó ra sao, nhưng sự này đã gắn liền với công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy trong gần 100 năm qua.
Thú chơi ngông của ông còn được nhiều người cho rằng, chính Ba Huy là người đầu tiên tổ chức hội chợ và hội thi “Hoa hậu miệt đồng” ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy rất giàu có và đầy quyền thế, nhưng Ba Huy được xem là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác và rất trọng lời hứa. Điều này thể hiện qua với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Đặc biệt là ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa.
Đáng nể với tính hào hoa, đa tình
Không chỉ là người có những thú vui khác người mà công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy rất hào hoa và đa tình. Không như cha ông và những người anh, người em của ông. Trần Trinh Huy có đến bốn người vợ và rất nhiều nhân tình.
Theo ghi chép trong cuốn “Công Tử Bạc Liêu”: Vợ đầu của Trần Trinh Huy là một người phụ nữ Pháp, ông cưới bà nay khi du học ở Pari. Khi ông học xong, bà này không theo ông về mà ở lại Pháp. Bà thứ hai là Ngô Thị Đen ở Bạc Liêu, bà này ở với ông và sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng.
Từ năm 1945, Trần Trinh Huy lên Sài Gòn ở hẳn. Khoảng thời gian sống ở Sài Gòn, ông lấy bà vợ thứ ba tên là Nguyễn Thị Hai; bà này sinh được ba người con tên Thảo, Nhơn, và Đức. Trong ba người con này, có ông Trần Trinh Đức đang làm việc tại “Công tử Bạc Liêu”. Công việc chính của ông là viết sách về cha mình sau đó đem bán cho khách du lịch để mọi người có thể hiểu hơn về cha và gia đình ông.
Khoảng 23 năm sau (năm 1968), khi tuổi đã về già, với cuộc sống thanh nhàn trên đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống, ông thấy một cô gái gánh nước đi qua đẹp quá. Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Ba Huy đến nhà ông già xin “đổi” căn nhà đó lấy cô gái. Ông già và cô gái sau khi bàn bạc đồng ý. Và đó là người vợ cuối cùng của ông, kém ông đến 50 tuổi. Bà sống chung thủy với ông đến ngày ông qua đời. Họ có ba con trai và một con gái tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ.
Bốn người vợ của ông giờ đã mất hết, con thì còn được vài người nhưng không biết lưu lạc ở đâu, chỉ còn mỗi ông Trần Trinh Đức là về lại căn nhà xưa, vừa bán sách do chính tay ông viết và làm HDV du lịch. Người xưa có câu rất hay, “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, bao nhiêu gia sản thời ông Trần Trinh Trạch gầy dựng được, hai đời sau đã phá không con cái gì. Để nay, người khổ sở, kẻ lầm than.
Tiệm sách cũ nhà Yên – Nơi lưu giữ văn hoá đọc
143a/34 Ung Văn Khiêm. Phường 25. Quận Bình Thạnh. TpHCM (Nằm đối diện số 286 Ung Văn Khiêm)
Bạn cần mua sách hoặc tìm sách quý hiếm xin liên hệ: 0906696046 – 0935175965 \
Bạn cần thanh lý sách cũ hoặc ký gửi sách xin liên hệ: 0564538417
Fanpage: https://www.facebook.com/tiemsachcunhayen